Rằm tháng giêng và rằm tháng 7 là hai ngày rằm được quan tâm nhiều nhất trong năm đối với người Việt Nam, vậy ngày rằm tháng 7 là ngày gì mà nó lại được mọi người quan tâm đến như vậy? Hơn nữa, vào ngày này có những điều đại kỵ gì cần tránh hay không?
Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!
I. Rằm tháng 7 là ngày gì?
Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, rằm tháng 7 được gọi là ngày xá tội vong nhân. Đây là ngày mở cửa địa ngục, ân xá cho vong nhân nên dân gian thường tổ chức lễ cúng Cô Hồn cho các cô hồn không nhà cửa, không thân nhân trên Dương thế, để các vong hồn này có cơ hội được xá tội, được siêu sinh về cõi an lành.
Rằm tháng 7 còn được gọi là lễ Vu Lan, là ngày con cái báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, tìm về cội nguồn. Ngày này còn là ngày Tết Trung Nguyên ở Trung Quốc. Rằm tháng 7 2021 là ngày 15 tháng 7 âm lịch, tức ngày 22 tháng 8 dương lịch.
II. Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày rằm tháng 7
1. Nguồn gốc và ý nghĩa ngày xá tội vong nhân rằm tháng 7
- Ngày xá tội vong nhân có nguồn gốc từ đâu
Tục cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà (thường gọi tắt là A Nan) với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu). Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng 3 ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó.
A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên”.
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”. A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ…
Tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”. Về sau, lại được hiểu rộng thành các nghĩa khác như tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân) hoặc cúng thí cho những vong hồn vật vờ (cô hồn). Vì vậy, ngày nay mới có câu: “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.
- Ý nghĩa của ngày xá tội vong nhân
Tháng 7 âm lịch còn gọi là tháng “xá tội vong nhân”, tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn (tức là vong hồn không có người thân) để mong họ phù hộ cho mình.
2. Nguồn gốc và ý nghĩa ngày vu lan báo hiếu rằm tháng 7
- Nguồn gốc của ngày vu lan báo hiếu
Lễ Vu lan báo hiếu xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) bằng cách nghe lời Phật dạy: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được”.
Phật lại dạy Mục Liên vào ngày rằm tháng 7, nhân lúc chư tăng mãn hạ (sau 3 tháng an cư kiết hạ) thì sắm sửa một cái lễ đặt vào trong chiếc chậu để dâng cúng và thành khẩn cầu xin mới có thể cứu mẹ ông khỏi địa ngục tăm tối.
Làm theo lời Phật, quả nhiên vong mẹ của Mục Liên được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu lan bồn pháp. Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng có thể làm theo cách này. Từ đó, ngày rằm tháng 7 do đó được gọi là ngày lễ Vu lan.
- Ý nghĩa ngày vu lan báo hiếu
Vu lan là dịp để nhắc nhớ tâm tưởng mỗi người đong đầy thêm tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn hướng về cha mẹ. Nghi thức lễ Vu lan không nên tiếp cận theo góc độ thuần túy tín ngưỡng tôn giáo mà mang ý nghĩa thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu. Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Vu lan, nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người con đại hiếu bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kỳ tôn giáo nào.
III. Lễ cúng ngày rằm tháng 7 cần những gì?
Rằm tháng bảy được tính vào đúng ngày 15 âm lịch của hàng tháng và lễ cúng Rằm thông thường cũng sẽ được tổ chức vào đúng vào ngày đó. Tuy nhiên, đối với lễ cúng Rằm tháng 7 âm lịch hằng năm thì không nhất thiết các gia đình phải tổ chức cúng đúng vào ngày 15/7 theo âm lịch mà có thể tổ chức vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7 miễn là được tổ chức vào trước ngày 15/7.
Mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng 7 âm lịch thường bao gồm các món đồ lễ như:gà luộc, giò lụa, xôi đỗ xanh, nem, canh miến mộc nhĩ,… và thường bao gồm đủ 3 lễ cúng sau: lễ cúng bàn Phật, lễ cúng trong nhà và lễ cúng ở ngoài trời.
1. Lễ cúng Phật
Trong dịp rằm tháng 7 là một ngày lễ rất lớn đối với những người là đệ tử của nhà Phật, cũng là ngày lễ báo hiếu Vu Lan, xuất phát từ việc tích đức của Mục Kiền Liên đã xả thân cứu mẹ.
Đối với lễ cúng bàn Phật thì gia đình chỉ cần chuẩn bị 1 mâm cơm chay hoặc chuẩn bị một mâm ngũ quả trái cây đơn giản để cúng Phật và gia đình nên tổ chức cúng vào ban ngày.
2. Lễ cúng trong nhà
Lễ cúng trong nhà, còn được gọi là lễ cúng thần linh và các bậc gia tiên, mâm cúng này thường sẽ là mâm cúng mặn. Để làm lễ cúng, gia đình cần chuẩn bị mâm cúng thật tươm tất, các món ăn mặn cần phải đa dạng và sử dụng những thực phẩm tươi sạch, bổ dưỡng nhằm thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn dâng lên gia tiên.
Mâm cúng mặn cho lễ cúng trong thường sẽ bao gồm các món như gà luộc, xôi, canh, cơm, món nộm, món xào… Kèm theo đó là đĩa trái cây, lọ hoa tươi, nước lọc, rượu trắng, nhang hương, nến, tiền vàng mã và cả những vật dụng cần thiết dành cho người cõi âm được làm bằng giấy tượng trưng cho quần áo, giày dép,…
3. Lễ cúng ngoài trời
Lễ cúng ở ngoài trời hay còn được gọi là lễ cúng chúng sinh hay lễ cúng cô hồn với mục đích dùng để bố thí cho những cô hồn bị thất thế, sa cơ lỡ vận và không có nhà cửa hay nơi để nương tựa.
Lễ cúng cô hồn hay chúng sinh được thực hiện tốt nhất là vào buổi chiều tối các ngày từ 2/7 cho đến 15/7, do quan niệm đây chính là khoảng thời gian mà diêm vương cho các vong linh được trở về trần thế hưởng lễ vật cúng tế.
Một mâm cúng ngoài trời cơ bản thường được sắm sửa các loại lễ vật như sau:
- Muối và gạo
- Cháo trắng được nấu loãng và đựng trong 12 bát nhỏ
- Hoa tươi, quả (gồm 5 loại trái cây, mỗi loại một màu khác nhau).
- Các loại khác như bỏng ngô, bánh và kẹo.
- 12 cục đường thẻ đã được cắt nhỏ.
- Quần áo cúng cô hồn với nhiều màu sắc (xanh lam, vàng, xanh lá mạ, hồng…).
- Tiền thật và thường là tiền lẻ cúng tiền vàng mã.
- 3 cốc nước, nhang hương và nến.
IV. Rằm tháng 7 âm lịch năm 2021 là ngày nào dương lịch?
Tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng cô hồn được tính theo dương lịch là từ ngày 08/8/2021 (tức 1/7 âm lịch) đến hết ngày 06/9/2021 (tức 30/7 âm lịch). Rằm tháng 7 năm 2021 sẽ rơi vào Chủ nhật, ngày 22/8 dương lịch.
V. Ý nghĩa bông hoa hồng cài áo
Nghi thức “bông hồng cài áo” là để tưởng nhớ những người mẹ đã tạ thế và tôn vinh những người mẹ còn lại trên thế gian này. Các Phật tử mang hai giỏ hoa hồng bên người, một giỏ màu đỏ và một giỏ màu trắng để cài lên áo những người đến dự lễ.
Hoa hồng là biểu tượng cho sự cao quý và tình yêu bất diệt. Nếu ai còn đầy đủ cha mẹ thì cài hoa hồng đỏ, ai không còn cha mẹ thì cài hoa trắng và ai chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài hoa màu nhạt hơn.
VI. Những điều đại kỵ cần tránh ngày rằm tháng 7
Vào ngày rằm tháng 7 ngoài các việc nên làm là báo hiếu cha mẹ; ăn chay niệm Phật; cầu siêu; cần an cho tổ tiên, ông bà; đi chùa; lễ cúng đầy đủ thì vào ngày rằm tháng 7 mà thậm chí là vào cả tháng 7 âm này thì bạn cần tránh làm những việc đại kỵ sau:
- Không cắt tóc vào ngày rằm
- Không nên đi về quá muộn
- Không treo chuông gió ở đầu giường
- Không nhổ lông chân
- Không nên tùy tiện đốt vàng mã
- Cẩn thận với việc bơi lội
- Không được nhặt tiền hay những đồ lạ trên đường
- Tránh đứng ở cây đa, cây si vì có âm khí lớn.
Ngày rằm tháng 7 là ngày lễ quan trọng trong năm, nếu có điều kiện bạn nên lễ lạt đầy đủ nhưng nó không phải là bắt buộc, cái chính là ở sự thành tâm của mỗi người cùng đối nhân xử thế làm việc thiện hàng ngày.