Tết thanh minh là một trong những ngày lễ đặc biệt của người Việt Nam, tuy nhiên đại đa số người trẻ đều không biết nhiều về ngày này. Hôm nay chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu những ngày lễ của Việt Nam và chủ đề cho bài viết này là Tết thanh minh là gì và những điều nên làm vào ngày tết thanh minh.
Contents
I. Tết thanh minh là gì?
Tết Thanh minh (hay Tiết Thanh minh) là tiết thứ năm trong số hai mươi tư tiết khí của Nông lịch (Âm lịch) của một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên.
Tiết Thanh minh đến sau Tiết Lập xuân 45 ngày, lúc này, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa hơn nên gọi là Thanh minh (thanh (清) trong thanh lọc, thanh khiết, mang nghĩa là “sạch sẽ” hay “trong lành”, minh (明) mang nghĩa là “tươi sáng”).
Theo quy ước, Tiết Thanh minh bắt đầu từ 4 – 5/4 đến ngày 20 – 21/4 Dương lịch, tính theo lịch Âm thì đều phải rơi vào tháng Ba. Thông thường, đa số các vùng miền tại Việt Nam sẽ lấy ngày 3/3 Âm lịch làm ngày Tết Thanh minh.
Theo quan niệm của người Việt xưa, Tết Thanh minh chính là thời điểm trong lành nhất trong năm nên rất phù hợp với việc thực hiện những nghi lễ quan trọng, ví dụ như tảo mộ. Vì vậy, tại Việt Nam, Tết Thanh minh cũng là dịp để các gia đình, dòng họ thực hiện nghi lễ tảo mộ (sửa sang lại mộ phần của gia tiên cho khang trang, sạch sẽ và làm lễ cúng gia tiên).
II. Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày tết thanh minh
1. Nguồn gốc của tết thanh minh
Theo như nyjetsfans.com tìm hiểu được thì ngày tết thanh minh có liên quan đến tết hàn thực và nó có nguồn gốc từ câu chuyện lịch sử Trung Quốc sau:
Theo lịch sử ghi chép kể rằng, vua Tấn Văn Công của nước Tấn lúc bấy giờ gặp loạn phải bỏ nước đi lưu vong, hết trú nước Tề rồi đến nước Sở. Ấy vậy, một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi bèn lập kế nhằm giúp đỡ vua.
Trong hành trình chạy nạn, Giới Tử Thôi đã phải hy sinh cắt một miếng thịt đùi mình để nấu rồi dâng lên cho vua khi chợt thấy lương thực dần bị cạn kiệt. Vua ăn xong mới biết vì sao có miếng thịt đó nên đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua suốt 19 năm, trải qua bao nhiêu gian truân và nguy hiểm. Khi Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu, quay trở về làm vua nước Tấn và phong thưởng cho những ai có công. Tuy nhiên, vua lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi và Giới Tử Thôi cũng không oán trách, vì ông cho rằng đó là nghĩa vụ của mình nên đưa mẹ già vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Về sau, vua mới chợt nhớ đến công lao của Giới Tử Thôi, nên cho người đi tìm nhưng ông không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng. Vì thế, vua bèn hạ lệnh đốt rừng để gây sức ép cho ông xuất hiện nhưng lại vô tình thiêu chết cả hai mẹ con Giới Tử Thôi.
Thương xót, vua quyết định lập miếu thờ và hạ lệnh cho dân chúng lúc bấy giờ phải kiêng đốt lửa trong 3 ngày (từ 3/3 – 5/3 âm lịch hằng năm) và chỉ ăn đồ nguội để tưởng niệm. Sự kiện này còn gọi là ngày Tết hàn thực, và là một ngày nằm trong Tiết Thanh minh để nhớ ơn những người có công đã khuất.
Khi Tết hàn thực được di chuyển đến trong văn hóa nước ta, vào thời Lý nó đã được thay đổi và mang thêm một số nét truyền thống văn hóa của người Việt hơn. Cụ thể, vào ngày này, người Việt vẫn nấu nướng bình thường và dùng bánh trôi để ăn. Có lẽ vì thế, Tết hàn thực của người Việt còn gọi là Tết bánh trôi.
Ngoài ra, vào dịp này, người thân trong gia đình sẽ tổ chức tụ họp, làm lễ tảo mộ, thăm viếng và dọn cỏ dại hoặc đắp đất lên mộ. Sau đó, người nhà tiến hành làm lễ cúng để mời những người đã khuất về nhà dùng cơm với con cháu. Đặc biệt, các lễ vật cúng kiến cũng nên tham khảo kĩ lưỡng để thể hiện lòng biết ơn và tưởng nhớ với người đã mất.
2. Ý nghĩa của ngày tiết thanh minh
Tết Thanh minh gắn liền với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Đây là dịp để những người còn sống tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên, của những người đã khuất.
Trong ngày Tết Thanh minh, con cháu cùng hướng về tổ tiên, cội nguồn bằng cách tảo mộ, dọn dẹp, sửa sang lại ngôi mộ của người đã khuất. Theo đúng phong tục, trước khi tiến hành tảo mộ, con cháu cần chuẩn bị mâm lễ vật gồm đèn, nhang, hoa quả dâng lên người đã khuất, mong tổ tiên nhận và phù hộ con cháu luôn khỏe mạnh, bình an và phát tài phát lộc.
Đặc biệt, những gia đình muốn khai quật hay xây dựng lại mồ mả cần đợi đến ngày Thanh minh mới được phép động thổ. Điều này là nguyên tắc được ông bà ta khi xưa đặt ra để con cháu tránh gặp phải tai ương, xui xẻo khi động đến mộ phần của người đã khuất.
III. Phong tục – những việc nên làm vào ngày tết thanh minh
“Thanh minh trong tiết tháng 3
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.”
Chắc hẳn hai câu thơ trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du này không còn quá xa lạ với mọi người và tảo mộ cùng đạp thanh chính là phong tục vào mỗi dịp tết thanh minh của người Việt.
1. Tảo mộ
Đối với người Việt, tết Thanh Minh là dịp con cháu hướng về nguồn cội, tổ tiên. Vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, con cháu sẽ cố gắng về với gia đình để tảo mộ.
Cho tới ngày nay, lễ tảo mộ thường là đầu xuân (sau Tết). Công việc chính là sửa sang lại ngôi mộ của tổ tiên. Người ta mang cuốc, xẻng để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn. Làm sạch những bụi cỏ xung quanh. Sau đó là thắp những nén hương, đốt vàng mã và thành tâm khấn cho người đã khuất.
2. Đạp thanh
Sau phần lễ là đến phần hội. Trước đây vào dịp này, nam thanh nữ tú, tài tử, giai nhân sắm sửa cho mình những bộ quần áo đẹp đẽ nhất để đi chơi xuân. Vì vậy nên mới có tên gọi hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này có lẽ không còn, nhưng ở Trung Quốc thì một vài nơi vẫn còn duy trì.
3. Lễ vật và mâm cỗ cúng ngày tết thanh minh
Thông thường mâm cỗ cúng cùng những lễ vật để dâng lên các vị thần cùng tổ tiên mỗi nơi lại có mỗi phong tục khác nhau, có nơi sẽ cúng cỗ chay còn có nơi lại cúng cỗ mặn. Tuy nhiên cái cần nhất ở đây vẫn là sự thành tâm của gia chủ khi cúng bái. Bạn có thể tham khảo và chuẩn bị một số vật phẩm cùng mâm cỗ như sau:
- Giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy,…
- Các loại bánh và quả tươi
- Trầu cau, rượu
- Nước sạch
- Một số món ăn tùy theo điều kiện mỗi nhà nhưng nên là đồ chay, hoặc nếu cúng đồ mặn thì có thể chọn chân giò, gà luộc hoặc một khoanh giò nạc.
- Một bộ tam sinh: Bộ tam sinh dùng để tế trong các đại lễ ngày xưa là ba con vật: bò, heo, dê. Tuy nhiên, hiện nay tùy theo phong tục tập quán của địa phương ở đâu và hoàn cảnh gia đình mà có thể chuẩn bị lễ này hay không.
Một số nhà có thể làm thêm mâm cơm cúng đầy đủ hơn gồm xôi, gà, canh măng, miến xào. Hoặc cũng có nhà làm đơn giản hơn chỉ với hoa quả tươi, trà, thuốc lá.
IV. Tết thanh minh năm 2021 là ngày nào?
Như đã nói ở phần I thì tết thanh minh thường sẽ bắt đầu khoảng thời gian từ ngày 4 hoặc 5 của tháng 4 và kết thúc vào khoảng ngày 20 hoặc 21 tháng 4 hằng năm theo Dương lịch. Còn theo Âm lịch, Tết Thanh minh sẽ diễn ra vào tháng Ba, bắt đầu từ ngày 3/3.
Như vậy, trong năm 2021 này, tính theo Dương lịch thì Tiết Thanh minh bắt đầu vào Chủ Nhật ngày 4/4 và kết thúc vào ngày 19/4. Ngày Thanh minh sẽ diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch (tức ngày 14/4 Dương lịch).
Ngày tết thanh minh không chỉ là ngày để tưởng nhớ về tổ tiên và bày lòng thành kính mà đây còn là dịp đoàn tụ của mỗi gia đình. Mong rằng mỗi năm bạn sẽ cùng gia đình mình đầm ấm đón các ngày lễ của dân tộc để bảo toàn văn hóa truyền thống cũng như tăng sự yêu thương gắn kết với những người thân.